Thursday, December 9, 2010

Trận chiến Mỹ-Hoa đã khởi sự


Biến hóa vô lường

Nhiều người Việt chúng ta cứ hỏi nhau, rằng liệu chiến tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có xảy ra không? Câu trả lời phải là “chắc chắn!” Miễn là ta định nghĩa cho đúng thế nào là chiến tranh! Thực tế thì chiến tranh đã xảy ra rồi, với nhiều dạng biến hóa vô lường. Câu hỏi mà mình cần nêu ra là “trong hoàn cảnh đó, Việt Nam phải làm gì...?” Câu hỏi ấy, xin để kỳ khác!

Trước hết, hãy nói về định nghĩa.

Người ta thường nghĩ chiến tranh là xung đột bằng võ lực giữa hai tập thể chính trị. Nhưng từ ngàn xưa rồi, các nhà lãnh đạo xuất chúng đều chỉ ra rằng võ lực là giải pháp tệ nhất. Lý tưởng là phải đạt mục tiêu của tập thể, thí dụ như quốc gia, mà khỏi phải dụng binh. Vì vậy, chiến tranh vẫn có thể bùng nổ mà không có tiếng đạn bom sát phạt. Nó bùng nổ dưới nhiều dạng khác, như chính trị, ngoại giao, kinh tế, tuyên truyền, v.v... và nó vận dụng những phương tiện càng bất ngờ càng hay. Trong thế kỷ 21 này, loại phương tiện ấy thật ra dồi dào và bất lường - có khả năng lường gạt - hơn hẳn những gì mà loài người có thể nghĩ tới trong suốt mấy chục thế kỷ trước.

Dù phương tiện có khác xưa, chứ ý chí thì không đổi. “Binh bất yếm trá”, ai cũng biết thế. Nhưng, phàm về cách dụng binh thì “toàn quốc vi thượng” - giữ được sự an toàn cho quốc gia mới là thượng sách. “Không đánh mà khuất phục được quân của người thì mới là người giỏi trong những người giỏi”, một nhà chiến lược Trung Hoa đã nói vậy từ mấy ngàn năm trước! Nói cho dễ hiểu thì... phản chiến mà vẫn thắng thì mới là giải pháp lý tưởng.

Trong tình huống đó, chiến tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã thực tế xảy ra. Gần đây, những vận động ồn ào về võ khí hay quân sự chỉ là phần biểu hiện ở mặt ngoài cho nhu cầu chiến thắng, và khuất phục, mà khỏi cần lâm chiến.

***

Nhìn từ Hoa Kỳ thì 10 năm sau khi chính quyền Mỹ mở cửa cho Trung Quốc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO, ngày nay lãnh đạo Bắc Kinh đã gây thêm vấn đề cho cộng đồng thế giới và đe dọa an ninh lẫn quyền lợi của nước Mỹ. Ba lãnh vực đáng chú ý là 1) thế giới, 2) an ninh và 3) quyền lợi kinh tế.

Trung Quốc tiếp tục phổ biến kỹ thuật và võ khí tàn sát cho các chế độ hung đồ được Bắc Kinh bao che và bảo vệ. Trung Quốc bành trướng sức mạnh quân sự và cả phương tiện chiến tranh phi quân sự và phi quy ước, và đe dọa an ninh của nhiều quốc gia tại Ðông Á, không riêng gì Ðài Loan. Tại Á Châu, Bắc Kinh không tham gia vào nỗ lực quốc tế của Liên Hiệp Quốc hay Minh Ước NATO để góp phần ổn định tình hình, thí dụ như tại Pakistan, Afghanistan hay toàn cõi Trung Á, mà còn khai thác nỗ lực đó của quốc tế để bảo vệ quyền lợi quốc gia. Ðấy là một vấn đề cho thế giới.

Bắc Kinh còn đẩy mạnh nỗ lực lũng đoạn, tình báo và xâm nhập điện toán nhắm thẳng vào Hoa Kỳ và đe dọa hạ tầng cơ sở điện tử của Mỹ. Bắc Kinh không chỉ kiểm soát và điều hướng thông tin và tuyên truyền trong lãnh thổ mà còn mở chiến dịch vận động ra ngoài. Và nhắm vào dư luận Hoa Kỳ, để tạo ra ấn tượng sai lạc về bản chất của Trung Quốc, về mối quan hệ Mỹ-Hoa và về Hoa Kỳ. Bắc Kinh không chỉ tác động vào dư luận các nước khác mà còn tận dụng các doanh nghiệp du thuyết - lobby - Mỹ để lung lạc chính trường, chánh sách và công chúng Mỹ. Quốc Hội Mỹ đã được báo cáo như vậy.

Về chiến lược phát triển, việc cải cách kinh tế mà Trung Quốc tiến hành từ ba chục năm qua không áp dụng quy tắc thị trường mà nhắm vào một sách lược kỹ nghệ có chọn lọc, có trợ cấp, để đẩy mạnh xuất cảng. Vì vậy, trong quan hệ kinh tế giữa hai nước, Trung Quốc đạt lợi thế đáng kể - xuất siêu rất cao - nhờ kềm hãm tiêu thụ và gia tăng tiết kiệm nội địa qua chế độ hối đoái giả tạo và qua quy chế mậu dịch lệch lạc so với quy định của WTO. Với khối dự trữ ngoại tệ cực lớn, Trung Quốc có khả năng tác động vào luồng trao đổi toàn cầu và vào thị trường tài chánh Hoa Kỳ - lẫn giá trị của đồng Mỹ kim.

Vì sự ổn định của thế giới lẫn sự an toàn và quyền lợi kinh tế của mình, Hoa Kỳ cần quan niệm lại đối sách với Trung Quốc. Lãnh đạo Hoa Kỳ đã từng mong muốn xứ này phát triển trong ổn định, thành đối tác biết điều có khả năng góp phần bảo vệ hòa bình và thịnh vượng cho nhân loại. Nhưng dù mong muốn như vậy và hợp tác với Bắc Kinh trong tinh thần đó, Hoa Thịnh Ðốn vẫn phải tự chuẩn bị cho tình huống bất lợi, xuất phát từ những tính toán của Bắc Kinh.

Nhìn từ Bắc Kinh thì đây là một quyết định thù nghịch!

***

Lãnh đạo Bắc Kinh cho rằng thế giới đã có thái độ bất công với Trung Quốc từ 150 năm nay rồi và họ có nhiệm vụ cải sửa sự bất công ấy.

Trong hai chục thế kỷ, Trung Quốc đã là siêu cường toàn cầu - khi toàn cầu mới chỉ là đại lục địa Âu-Á. Tình trạng ấy chấm dứt vào giữa thế kỷ 19, khi Trung Quốc lụn bại và bị liệt cường xâm lấn và sâu xé, rồi trôi vào nội chiến cho tới ngày đảng Cộng Sản đại thắng. Việc giành lại chủ quyền tại Hong Kong và Ma Cao và việc giải phóng Ðài Loan là một nhiệm vụ lịch sử của đảng.

Sau khi tiến hành cải cách kinh tế, Trung Quốc bắt đầu công nghiệp hóa và cố thu hẹp khoảng cách tụt hậu với thế giới. Ðảng Cộng Sản đã áp dụng chiến lược kinh tế đúng đắn để đưa xứ này thành đại cường kinh tế và tất nhiên phải giành lại ngôi vị siêu cường chính đáng của mình. Tuy nhiên, khác với lịch sử mấy ngàn năm, tiến trình kỹ nghệ hóa đòi hỏi Trung Quốc phải mở cửa giao thiệp với bên ngoài để bảo đảm nguồn cung cấp nguyên nhiên vật liệu và khuếch trương các thị trường xuất cảng.

Nhằm bảo vệ quyền lợi kinh tế chính đáng, Trung Quốc phải có phương tiện quân sự tương xứng.

Từ ngàn xưa, Trung Quốc từng bị các dị tộc tấn công từ hướng Tây và mạn Bắc, cho nên việc xây dựng vùng trái độn quân sự ở khu vực ngoại biên là đòi hỏi chiến lược. Khởi đầu là Vạn Lý Trường Thành ở mạn Bắc và chế độ “đồn điền” - kinh tế quân sự - ở Cao nguyên Thanh Tạng, Tây Vực, Mông Cổ và Mãn Châu. Trong thế kỷ 20, Trung Quốc còn bị tấn công từ hướng Ðông, từ vùng duyên hải, cho nên khái niệm “vùng trái độn quân sự” tất nhiên phải mở rộng.

Với công cuộc phát triển và nhu cầu bảo đảm thị trường cùng nguồn cung cấp trên toàn cầu, Trung Quốc phải thành đại cường hải dương. Trước hết phải xây dựng vùng trái độn rộng lớn và vững mạnh hơn. Trong bước đầu của một tiến trình lâu dài, Bắc Kinh phải kiểm soát được vùng biển cận duyên, biển xanh lục, để rồi sẽ kiểm soát được vùng viễn duyên, biển xanh dương. Trung Quốc phải làm chủ tình hình từ Thái Bình Dương qua Ấn Ðộ Dương lên tới Hồng Hải vào Trung Ðông, xuống tới vùng biển tiếp giáp với Châu Phi.

Vì thế, vùng biển xanh lục quan lãnh thổ, trải dọc từ Hoàng Hải bên bán đảo Triều Tiên xuống tới eo biển Ðài Loan rồi Trung Nam Hải - Ðông Hải của Việt Nam - trở thành vùng quyền lợi cốt lõi. Ðó là “hạch tâm lợi nghĩa”. Nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi tâm huyết của tổ quốc. Nó cũng quan trọng như Ðài Loan, Tây Tạng hay Tân Cương.

Huống hồ, khu vực cận duyên ấy còn có tiềm năng rất lớn về kinh tế nằm sâu ở dưới, từ đảo Ðiếu Ngư Ðài / Senkaku đang tranh chấp với Nhật Bản đến Hoàng Sa đã cướp của Việt Nam và Trường Sa đang lấy của Việt Nam và các nước Ðông Nam Á khác.

Nhìn từ Bắc Kinh ra thì suốt 500 năm qua, các nước Âu Châu, rồi Mỹ, Nhật, Nga hay Liên Xô đều đã lý luận và thực hiện việc đó qua đường lối ngoại giao pháo hạm hoặc khuynh đảo trắng trợn. Ngày nay, các nước lại muốn cản trở nỗ lực phát triển chính đáng của Trung Quốc và tìm cách be bờ nên lãnh đạo không thể nhượng bộ được. Cho dù chưa có sức mạnh quân sự tương xứng, Trung Quốc vẫn có thể chống trả bằng hình thái chiến tranh bất cân xứng, bằng phương tiện phi quy ước của thế giới hiện đại.

Ðó là những suy tính “khách quan” của đôi bên.

***

Xưa kia, Ðặng Tiểu Bình khéo căn dặn đảng là phải kín đáo phát triển chứ đừng tỏ lộ ý chí bành trướng vì cần mối giao hảo tốt với thế giới để cải cách kinh tế. Từ Giang Trạch Dân trở về sau, lãnh đạo Bắc Kinh có thêm tự tin và bộc lộ ngày càng rõ hơn tinh thần bành trướng mà họ cho là chính đáng. Khẩu hiệu “phát triển trong hòa bình” chỉ là khẩu hiệu, vì hòa bình phải có nghĩa là hòa bình trong trật tự Trung Quốc.

Việc Mỹ mắc bận với cuộc chiến chống khủng bố Hồi Giáo và vướng chân vào hai chiến trường Iraq và Afghanistan là cơ hội bằng vàng để Bắc Kinh vừa bành trướng thế lực vừa gây chướng ngại cho Mỹ, vừa tỏ vẻ ôn hòa hợp tác chống khủng bố, nhưng là khủng bố Hồi Giáo tại Tân Cương thôi!

Nối tiếp thời cơ thuận lợi ấy cho Bắc Kinh là chuỗi khủng hoảng tại Hoa Kỳ: kinh tế suy trầm, thất nghiệp tăng vọt, quốc gia mắc nợ, lãnh đạo lúng túng đấu khẩu khi dân chúng lại sắp đi bầu. Trong khi ấy, kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng mạnh, lại vượt qua Nhật Bản và có khi sẽ bắt kịp Mỹ trong vòng hai chục năm tới.

Vì vậy mà Bắc Kinh đã đơn phương cắt đứt việc đối thoại về quân sự, Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào bãi bỏ chuyến Mỹ du vào tháng tới và đôi bên đều xẵng giọng, khiến thiên hạ mới tự hỏi là chiến tranh có bùng nổ giữa hai nước hay không.

Chiến tranh đã thực tế xảy ra khi quan hệ đôi bên về kinh tế, chính trị và quân sự đã rẽ qua hai ngả không thể hàn gắn. Nhưng nó xảy ra không có tiếng nổ. Ðó là một cuộc đấu tranh đa diện tới độ toàn diện, nếu có bạo lực thì đấy chỉ là tai nạn mà đôi bên đều muốn tránh. Bất chiến mà tự nhiên thành mới là mưu cao chước lạ. Chung quanh, sẽ có xứ mang vạ, có xứ kiếm lời...

***

Trước hết là trận tuyến ngoại thương vì kinh tế cũng là chính trị.

Ngược với chủ trương từ trăm năm nay, từ tháng 3, Hoa Kỳ ban bố “quốc sách xuất cảng”. Thay vì mở rộng thị trường để nhập cảng từ các nước và dùng đó làm lợi thế ngoại giao và an ninh, ngày nay Hoa Kỳ phải hạn chế nhập cảng và đẩy bộ máy công quyền vào hỗ trợ doanh nghiệp xuất cảng hầu tạo thêm công ăn việc làm cho người dân. Nhìn từ Bắc Kinh, đây là quyết định tuyên chiến vì đánh thẳng vào chiến lược kinh tế dựa vào xuất cảng của Trung Quốc.

Hoa Thịnh Ðốn không chỉ tuyên chiến bằng cách ra lệnh cho các phủ bộ phải yểm trợ xuất cảng - y như Bắc Kinh đã làm - mà còn liên tục khiếu kiện Bắc Kinh trước cơ chế WTO và nêu vấn đề về hối suất đồng Nhân Dân tệ. Vốn dĩ dễ bảo, các doanh nghiệp Mỹ nay lại tỏ vẻ thất vọng về thị trường Hoa Lục. Họ còn nói đến việc triệt thoái để đầu tư tại nơi khác, có lời hơn hoặc ít bị kiểm soát hơn. Một trong những nơi đó là Ðông Nam Á, với dân số gần 600 triệu, có sẵn quy chế hợp tác cấp vùng và trình độ sản xuất dù sao cũng cao hơn, luật lệ phân minh hơn...

Với Bắc Kinh, chiến tranh kinh tế đã bắt đầu - bằng trận chiến mậu dịch. Chỉ giữa các quốc gia đang giao thương với nhau thì chiến tranh kinh tế mới xảy ra khi quyền lợi hết tương đồng và mọi tương nhượng đều đụng vào lằn ranh chính trị của lãnh đạo. Trước đại hội đảng khóa 18 tại Trung Quốc và tái bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ, cùng tiến hành vào năm 2012 này, cả Hồ Cẩm Ðào lẫn Barack Obama đều hết đất lùi.

Thế rồi, vừa mon men xuống Ðông Hải, Bắc Kinh gặp lại Hoa Kỳ, siêu cường toàn cầu có sức mạnh hải dương vượt xa tổng lực của tất cả các nước khác. Mâu thuẫn chính trị vì vậy bùng nổ vì quyền lợi khách quan của hai nước.

Trung Quốc vừa xây dựng khu vực tự do mậu dịch với Hiệp hội ASEAN, thì Mỹ tung sáng kiến Ðối Tác Liên Thái Bình Dương để lôi kéo Việt Nam, Singapore cùng các nước Thái Bình Dương tại Nam Mỹ. Bắc Kinh muốn bẻ đũa từng chiếc qua phép đàm phán và mua chuộc song phương với từng nước trong Hiệp hội ASEAN của 10 quốc gia Ðông Nam Á thì Hoa Kỳ vận động tập thể ASEAN cùng thống nhất đường lối chính trị và ngoại giao, là bảo vệ quyền lợi chung về kinh tế và vận chuyển hàng hải tự do trong vùng biển Ðông Nam Á. Ðã vậy, Hoa Kỳ còn lấn vào sân sau của Trung Quốc vì đòi hợp tác với các nước Việt, Miên, Lào, Thái trong lưu vực sông Mekong.

Khi Ngoại Trưởng Hillary Clinton nói mạnh tại Hà Nội thì Tổng Trưởng Quốc Phòng Robert Gates tới Jakarta tăng cường quan hệ quân sự với Indonesia. Thậm chí tái tục việc hợp tác với lực lượng ưu binh Kopassus của xứ này. Mục tiêu vẫn là bảo vệ eo biển Malacca, một yết hầu của sự chuyển vận từ Thái Bình Dương qua Ấn ÐộD. Tuần qua, khi Trung Quốc lẻn xuống sân sau của ASEAN để hợp tác quân sự với xứ Ðông Timor nhỏ xíu thì Úc Ðại Lợi, một đồng minh chiến lược của Mỹ, lại lên tiếng báo động!

Như vậy, với Bắc Kinh, Hoa Kỳ đã lặng lẽ khai chiến về ngoại giao và chính trị.

Ðấy là bối cảnh của những chuyển động hải quân đang làm Thái Bình Dương nổi sóng: Hai lần thao diễn quân sự giữa Nam Hàn và Hoa Kỳ, xen kẽ là cuộc tập trận để thị uy của Trung Quốc và việc hàng không mẫu hạm USS George Washington ghé Việt Nam, rồi cuộc thao dượt giữa hải quân Hoa Kỳ và Việt Nam! Kết quả thì các nước ráo riết trang bị võ khí - mua của Mỹ...

Về phía Hoa Kỳ, Hoa Thịnh Ðốn đang chứng minh sự khả tín - đáng tin - của mình với các quốc gia Ðông Nam Á vốn dĩ cứ e là gây hiềm khích bất lợi với Bắc Kinh trong khi Mỹ vẫn thờ ơ vì bận chuyện khác. Thực tế thì Hoa Kỳ chỉ quay lại củng cố quan hệ với các đồng minh cố hữu đã bị lãng quên từ sau Chiến Tranh Lạnh rồi gần chục năm đối phó với khủng bố. Lý luận của Mỹ là Hoa Kỳ chỉ tăng cường sự hợp tác bình thường với các đối tác Á Châu, siết chặt quan hệ song phương vốn dĩ đã có từ lâu và khẳng định quyền tự do di chuyển của các hạm đội Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, như tại mọi vùng biển khác của địa cầu.

Hoa Kỳ càng có nhu cầu ấy khi thấy Bắc Kinh không hề có thiện chí giải quyết mối nguy Bắc Hàn sau vụ chiến hạm Nam Hàn bị bắn chìm hồi tháng 3 và cũng chẳng muốn can ngăn Iran chế tạo võ khí hạch tâm. Với nước Mỹ, Trung Quốc không là một cường quốc biết điều và có trách nhiệm về thiên hạ sự và vì vậy, nếu để Bắc Kinh tiếp tục lấn lướt tại Ðông Á thì mặc nhiên Hoa Kỳ khuyến khích sự bành trướng. Ðiều ấy sẽ ảnh hưởng đến đối sách của các nước trong vùng. Và cuối cùng thì sẽ xâm phạm vào an ninh của Hoa Kỳ.

Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh coi đây là một khiêu khích quân sự vì lấn vào vùng trái độn ngoài biển của mình và còn là bước đầu của cả một chiến lược bao vây. Bắc Kinh cho rằng Mỹ phải ráo riết tiến hành việc ngang ngược đó trước khi Trung Quốc có thể khai thác khoảng trống thuận lợi hiện nay để hoàn toàn làm chủ tình hình ngoài Ðông Hải.

Vì vậy, dù súng chưa nổ, hai nước bắt đầu nhập trận, trước tưởng là giả mà hóa là thật. Và là một cái thật thiên biến vạn hóa từ một quốc gia dầy kinh nghiệm về chiến pháp là Trung Quốc với quốc gia siêu hạng về kỹ thuật và đã tích tụ đủ loại kinh nghiệm tinh ma của thế giới là Hoa Kỳ.

***

Ðoạn kết ở đây phải là chuyện Việt Nam.

Vào thế kỷ 19, khi nhà Ðại Thanh bắt đầu lụn bại vào đời Gia Khánh thì cuộc chiến Hoa-Pháp đã xảy ra - tại miền Bắc Việt Nam - với sự can dự của binh lính nhà Thanh và Lưu Vĩnh Phúc. Và với thành tích của quân Cờ đen hai lần giết chết tư lệnh Pháp tại chiến trường Hà Nội là Ðại Úy Francis Garnier năm 1873 rồi Ðại Tá Henri Rivière năm 1883. Khi ấy, dân ta có lẽ cũng chẳng biết gì về trận chiến Hoa-Pháp. Sau lần đó, Pháp thắng, Tàu thua, Việt Nam mất độc lập.

Gần trăm năm sau, sau chiến thắng của Mao Trạch Ðông năm 1949, và chiến tranh Cao Ly năm 1950-53, cuộc chiến Hoa-Pháp lại tái diễn dù chẳng có khai chiến - mà vẫn trên lãnh thổ Việt Nam. Việt Nam tưởng là đang làm cách mạng! Kết cuộc, Pháp thua tại Ðiện Biên Phủ và đảng Cộng Sản tưởng mình thắng nên còn đòi lấn tới, như một mũi xung kích của Trung Quốc.

Hoa Kỳ bước vào và xung đột Mỹ-Hoa lại bùng nổ như đã bùng nổ tại Triều Tiên - nhưng trên lãnh thổ Việt Nam - trong cuộc chiến ủy nhiệm lồng vào Chiến Tranh Lạnh giữa hai khối Cộng Sản và Tư Bản. Lần đó, Việt Nam Cộng Sản được tiếng thắng Mỹ nhờ những dàn xếp giữa Hoa Thịnh Ðốn và Bắc Kinh. Nhưng Hoa Kỳ thắng lớn vì đóng cái nêm vào liên minh Nga-Hoa và khiến Liên Xô hụt hơi mà tan rã vào năm 1991.

Rồi từ đấy, Việt Nam tuột dần vào quỹ đạo Trung Quốc và nay trở thành “vùng trái độn” trên đất liền, theo quan niệm của Bắc Kinh. Trong khi ấy đại đa số dân chúng và cả đảng viên đều thấy hợp tác với Hoa Kỳ mới giúp cho quốc gia phát triển. Một mâu thuẫn kỳ lạ!

Bây giờ, khi Trung Quốc đụng độ với Hoa Kỳ, làm sao Việt Nam có thể tránh được thắng lợi giả mà là tai họa thật cho dân tộc như đã từng thấy trong lịch sử? Ði dưới chân Trung Quốc thì được gì, mất gì? Mà ai được, ai mất? Ngả theo Hoa Kỳ thì bị rủi ro gì, nhiều người Việt không quên được, kể cả và nhất là những người Việt đang sống tại Mỹ. Còn giải pháp nào khác không?

Người Việt khó nhìn ra giải pháp nếu không thấy là hai cường quốc này đã thực tế lâm trận, theo kiểu thiên biến vạn hóa của họ... Và càng khó nhìn ra giải pháp nếu bị lãnh đạo ở Hà Nội bịt mắt.


Nguyễn Xuân Nghĩa


No comments: